Một số điểm mới của Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025 mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa khóa XVIII thông qua là đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó, trọng tâm là thúc đẩy phát triển công nghiệp, phát triển du lịch chất lượng cao, phát triển kinh tế biển với 3 vùng động lực phát triển và 4 chương trình kinh tế - xã hội. Ngày 15-1-2021, kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa VI đã thông qua Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025 và UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 1719/QĐ-UBND ngày 24-6-2021 để triển khai thực hiện.

Một số điểm mới của Chương trình phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2025, cụ thể như sau:
1. Đối với Chương trình phát triển nguồn nhân lực của Tỉnh ủy

- Về mục tiêu: Mục tiêu hướng đến của Chương trình phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2025 được phân nhóm theo chủ thể tham gia phát triển là đối tượng công chức, viên chức, cán bộ công chức cấp xã (trước đây là nhân lực khối đảng, nhân lực quản lý hành chính và nhân lực sự nghiệp) và theo các ngành, lĩnh vực, vùng, miền (trước đây là nhân lực sản xuất, kinh doanh và nhân lực ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh). Mục tiêu của Chương trình muốn hướng tới trong giai đoạn 2021-2025 này bao quát hơn và bao gồm toàn bộ các ngành, các lĩnh vực, vùng miền. 

- Về dự kiến nguồn vốn: Nguồn vốn nhà nước dự kiến bố trí cho Chương trình phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2025 không thấp hơn giai đoạn 2016-2020.

- Về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện: Từ việc xác định rõ mục tiêu cần đạt được, Chương trình phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2025 đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Các nhóm nhiệm vụ và giải pháp dựa trên cơ sở kế thừa giai đoạn 2016-2020, có chọn lọc và tổng hợp lại thành từng nhóm tương đồng nhiệm vụ; đồng thời có bổ sung một số nhiệm vụ và giải pháp mới như: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng; sắp xếp lại và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; giao nhiệm vụ theo hình thức khoán, đấu thầu, hợp đồng gắn với đãi ngộ dựa trên kết quả cuối cùng để khuyến khích phát huy sáng kiến, sáng tạo và khích lệ người tài, người có nhiều đóng góp; đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng xã hội học tập, ngày khuyến học; khuyến khích các hoạt động khuyến học, khuyến tài… 

2. Đối với Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh

- Về nhiệm vụ và giải pháp: Kế hoạch của UBND tỉnh đã cụ thể hóa 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình phát triển nguồn nhân lực của Tỉnh ủy. Tại mỗi nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đều có phân công rõ trách nhiệm, nội dung, sản phẩm và lộ trình thực hiện cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan và yêu cầu dự báo nguồn lực thực hiện (kinh phí, con người, chính sách…) để đảm bảo hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

- Về nội dung: Kế hoạch đã kế thừa và tiếp tục thực hiện một số nội dung Kế hoạch giai đoạn 2016-2020 như: Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, chức vụ, tiêu chuẩn ngạch; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành, lĩnh vực (thường xuyên)…; chuẩn hóa đội ngũ công chức cấp xã, nâng chuẩn trình độ giáo viên (theo quy định hiện hành và theo lộ trình)… Đồng thời, tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như phát triển kinh tế biển, các nhóm ngành du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, nhân lực chất lượng cao cho 3 vùng động lực của tỉnh.

Theo đó, các sở, ngành đã thực hiện đề xuất các khóa đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao theo lĩnh vực quản lý, cụ thể như: Sở Y tế xây dựng kế hoạch đào tạo phát triển nhân lực ngành Y tế và chính sách “giữ chân”, thu hút bác sĩ về làm việc tại các cơ sở y tế công lập thuộc tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất các nội dung về lĩnh vực kinh tế biển; Sở Du lịch đề xuất nội dung về phát triển du lịch – lữ hành; Sở Công Thương đề xuất các nội dung về lĩnh vực công – thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất nội dung liên quan đến khuyến công, phát triển công nghệ cao; Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong và Sở Công Thương tập trung đề xuất các nội dung để phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp… 

Giai đoạn 2021-2025, Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ dự báo nguồn lực, với trách nhiệm phải thực hiện đánh giá nhu cầu (số lượng, chất lượng, cơ cấu, trình độ nguồn nhân lực) đối với các ngành, lĩnh vực, vùng miền để tạo cơ sở cho các sở, ngành liên quan có thể thực hiện việc nghiên cứu nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, xác định được cơ chế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong việc liên kết với các cơ sở đào tạo để đặt hàng nguồn nhân lực hoặc tạo điều kiện cho các cơ sở kinh tế thành lập cơ sở đào tạo ngay tại địa phương, hỗ trợ đào tạo xuất khẩu lao động, đào tạo nghề cho lao động nông thôn… 

Riêng đối với việc phát triển nhân lực tại hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh trong giai đoạn 2021-2025 được tập trung triển khai hoàn toàn theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, do Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan chủ trì tham mưu.

Anh Thư

Bình luận bài viết

Bình luận

Tin cùng chuyên mục

Văn bản mới

Liên kế website
Bản đồ địa chính
Thời tiết khu vực
Nha Trang
  • Hà Nội
  • Hải Phòng
  • Nam Định
  • Hải Dương
  • Quảng Trị
  • Thừa Thiên Huế
  • Đà Nẵng
  • Nha Trang
  • Đà Lạt
  • Hồ Chí Minh
  • Cần Thơ
  • Bà Rịa-Vũng Tàu
Tiện ích